Liên kết website Liên kết website

Hình ảnh hoạt động Hình ảnh hoạt động
Các đơn vị trực thuộc Các đơn vị trực thuộc


 

 

Giải pháp triển khai hiệu quả cộng sinh công nghiệp trong KCN Hiệp Phước

Hội thảo “Cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp Hiệp Phước” và “Tập huấn công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và khu công nghiệp trong chuyển đổi mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam” dành cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Hiệp Phước

Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ chương trình KCN sinh thái toàn cầu” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UNIDO thực hiện, từ nguồn tài trợ của SECO; thời gian thực hiện Dự án là 3 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2023). Dự án được triển khai với các KCN được thí điểm lựa chọn là: KCN DEEP C (Hải Phòng), KCN Amata (Đồng Nai), KCN Hiệp Phước (TP. Hồ Chí Minh), KCN Trà Nóc 1&2 (Cần Thơ), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng).

Nằm trong khuôn khổ của Dự án, ngày 24/11/2022 tại KCN Hiệp Phước, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) phối hợp với Ban Quản lý Dự án "Triển khai KCN sinh thái theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đồng tổ chức Hội thảo “Cộng sinh công nghiệp trong khu công nghiệp Hiệp Phước” và “Tập huấn công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và khu công nghiệp trong chuyển đổi mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam” dành cho các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Hiệp Phước.

Tham gia Hội thảo có đại diện Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Phòng Quản lý Môi trường thuộc HEPZA; Ông Giang Ngọc Phương – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Hiệp Phước, bà Nguyễn Trâm Anh, Chuyên gia kỹ thuật quốc gia UNIDO, đại diện Ban Quản lý Dự án; ông Ankit Kapasi, Chuyên gia quốc tế về KCN sinh thái của Sofies; ông Đinh Mạnh Thắng, Chuyên gia cao cấp về sử dụng Hiệu quả Tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (VNCPC) cùng đại diện khoảng 40 đại biểu đến từ các doanh nghiệp hoạt động trong KCN Hiệp Phước.

Hội thảo nhằm nâng cao kiến thức về cộng sinh công nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp, kế hoạch để hình thành các chuỗi cung ứng khả thi về mặt kinh tế, môi trường và xã hội, thực hiện các mục tiêu tiến tới KCN sinh thái, doanh nghiệp sinh thái.

Hội thảo cung cấp những hiểu biết chung về: các khái niệm, phương pháp và công cụ chính liên quan đến nhận diện và thực hiện cộng sinh công nghiệp; cung cấp thông tin về những mô hình cộng sinh công nghiệp; ví dụ điển hình về những cơ hội cộng sinh công nghiệp đã được nghiên cứu, triển khai thực tế tại Việt Nam và trên thế giới.

Thông qua Hội thảo, các chuyên gia quốc tế và trong nước về KCN sinh thái đã cung cấp góc nhìn tổng quan về cộng sinh công nghiệp và các ví dụ điển hình liên quan đến các loại hình cộng sinh công nghiệp. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư trong KCN Hiệp Phước cùng thảo luận sâu hơn về các cơ hội cộng sinh công nghiệp đã có và các cơ hội cộng sinh được chuyên gia xác định trong quá trình đánh giá hiệu quả tài nguyên sản xuất sạch hơn. Đồng thời, thông qua hoạt động tương tác sẽ xác định các cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng mới. Đây là cơ sở để Dự án sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ hội cộng sinh công nghiệp tiềm năng thông qua các hoạt động xác định, sắp xếp thứ tự ưu tiên và triển khai kế hoạch hành động.

Ngoài ra, để giải quyết một trong những khó khăn của các doanh nghiệp trong KCN Hiệp Phước về nguồn vốn, Hội thảo cũng đã tổ chức chương trình tập huấn công cụ tài chính hỗ trợ doanh nghiệp và KCN chuyển đổi mô hình KCN sinh thái tại Việt Nam. Tại buổi tập huấn này, các chuyên gia quốc tế và trong nước của Dự án đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hành và sử dụng hiệu quả công cụ tài chính phục vụ cho mục đích chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái.

Đánh giá những khó khăn, thách thức khi triển khai cộng sinh công nghiệp tại KCN Hiệp Phước, bên cạnh khó khăn về nguồn vốn (do có một vài giải pháp đầu tư lớn nên cần nguồn vốn đầu tư lớn), đa số các ý kiến mà doanh nghiệp đưa ra đều nhấn mạnh khó khăn chính về rào cản cơ sở pháp lý, do bị chi phối bởi các luật chuyên ngành về môi trường nhưng chưa giải quyết được, liên quan đến việc chuyển giao chất thải của nhà máy này làm nguyên liệu sản xuất cho nhà máy khác. Mặt khác, đa số các doanh nghiệp trong cùng một KCN không có mối quan hệ để trao đổi, chia sẻ và giao lưu với nhau, nên họ chưa tìm được sự kết nối, tương tác để cùng hiệp đồng cộng sinh công nghiệp, do đó cần có giải pháp để kết nối các doanh nghiệp với nhau.

CÁC TIN BÀI KHÁC:
Các trang: 1  2  3  4  5  6  7  8  9  10  11  12  13  14  15  16  17  18  19  20  21  22  23  24  25  26  

Số lượt truy cập Số lượt truy cập
45956548